Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Phố của ta
Phố nghèo của ta
Những giọt nước sa
Trên cành thánh thót
Lũ trẻ trên gác thượng
Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng.
Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.
(Trích bài thơ “Phố ta” – Lưu Quang Vũ, “Hương cây – bếp lửa”, NXB Văn học, 1968)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã miêu tả “phố ta” bằng những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3. Xác định và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ:
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Câu 4. Từ đoạn trích, anh/chị hãy rút ra một thông điệp có ý nghĩa, bình luận ngắn gọn về thông điệp ấy.
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của những điều tốt đẹp bình dị trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận đoạn thơ sau:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2016)
Từ đó nhận xét sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chất chính trị trong thơ Tố Hữu.
Câu 1:
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Câu 2:
Tác giả đã miêu tả “phố ta” bằng những từ ngữ, hình ảnh: Phố nghèo, giọt nước sa, lũ trẻ trên gác thượng, bong bóng xà phòng, cây táo nở hoa, rãnh nước trong veo
Câu 3:
- Nêu một biện pháp tu từ: ẩn dụ (cây táo nở hoa, rãnh nước trong veo) hoặc câu hỏi tu từ (Sao rãnh nước trong veo đến thế?)
- Tác dụng:
+ Biện pháp tu từ ẩn dụ: ẩn dụ cho những điều giản dị tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc đời. Cuộc sống không chỉ toàn chuyện xấu xa.
+ Câu hỏi tu từ đã thể hiện niềm tin và tình yêu cuộc sống của nhà thơ. + Tạo cách diễn đạt giàu hình ảnh, biểu cảm, tăng tính nhạc, giọng điệu thiết tha cho những câu thơ….
Câu 4:
- Có thể tham khảo thông điệp sau:
Cuộc đời này không phải toàn chuyện xấu xa, vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp và đáng sống. Đó có thể là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mang tới cảm giác bình yên và thư thái, là những việc tử tế của con người dù bình dị nhỏ bé mang tới niềm tin yêu, hứng khởi, là những yêu thương ta nhận từ bao người như một món quà vô giá…. Vì thế “dù ai có nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy tin rằng cuộc đời luôn kì diệu và đẹp đẽ.”
Câu 1: Cần làm rõ các ý sau:
- Những điều tốt đẹp bình dị sẽ khơi dậy và bồi đắp cho chúng ta tình yêu cuộc sống, giúp ta tin rằng cuộc sống mến thương luôn tươi đẹp và đáng sống.
- Những điều tốt đẹp bình dị sẽ thức tỉnh chúng ta về những giá trị sống mà mình đeo đuổi. Thành công, hạnh phúc không phải là những điều lớn lao, vĩ đại mà có khi chỉ là những điều tốt đẹp nhỏ bé, bình dị.
- Những điều tốt đẹp bình dị sẽ ươm mầm cho những giá trị lớn lao cao cả sinh sôi, nảy nở góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
- Những điều tốt đẹp dẫu bé nhỏ bình dị nhưng có ý nghĩa, giá trị lớn lao. Trân trọng, nâng niu và phát huy những điều tốt đẹp bình dị là cách để góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
Câu 2:
- Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại.
- Nội dung thơ Tố Hữu hướng tới những sự kiện cách mạng của dân tộc trong thế kỉ XX.
- Bài thơ Việt Bắc ra đời sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954; được coi là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
- Đoạn thơ là lời người đi để khẳng định lòng thủy chung với Việt Bắc.
* Nội dung:
Khẳng định sự thủy chung: 4 câu đầu
+ Đại từ: Ta – mình, mình – ta quấn quýt, quyện hoà, ta với mình là một.
+ Cách ngắt nhịp 3/3: “Ta với mình, /mình với ta” cùng với quan hệ từ mang tính kết nối “với” làm nổi bật mức độ bền chặt trong tình cảm như lời trỏ giữa đôi bên hướng về nhau.
+Lời thề gắn bó: “Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh” qua sự sắp xếp đảo trật tự từ chỉ thời gian sau trước và từ láy đinh ninh.
+ Từ mang nghĩa chỉ hướng trỏ “lại”: khẳng định dù có tiến bước chân về phía trước thì tình cảm vẫn quay về phía sau, về phía mình ở lại.
+ Hình ảnh so sánh: “Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
Nỗi nhớ thiên nhiên: 6 câu sau
+ Mức độ nỗi nhớ: qua phép so sánh “như nhớ người yêu”. Nỗi nhớ luôn thường trực, da diết, cháy bỏng, bồn chồn đứng ngồi không yên như tình yêu đôi lứa.
-> Cách nói “nhớ gì như nhớ” mang hơi hướng của một câu hỏi tu từ gợi lên bao nỗi niềm bâng khuâng, trăn trở, day dứt.
+ Không gian nỗi nhớ:
Trăng lên đầu núi …. suối Lê vơi đầy
Điệp từ “nhớ” đặt ở đầu câu như liệt kê ra từng nỗi nhớ cụ thể: nhớ ánh trăng buổi tối, không gian gợi cảm nên thơ; nhớ ánh nắng ban chiều trên nương rẫy; nhớ những bản làng ẩn hiện trong sương sớm; nhớ cả những ánh lửa hồng trong đêm khuya; những tên núi, tên rừng, tên sông suối, nương rẫy quen thuộc thân yêu: ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê
Phép liệt kê: rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê…kết hợp cách ngắt nhịp 2/2/2/2 gợi lên cảnh đẹp, có phần hoang sơ nhưng không hiu quạnh mà thơ mộng, ấm áp; là nhịp đếm kỉ niệm sẽ không bao giờ quên trong lòng người ra đi.
* Nghệ thuật:
- Sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống.
- Sử dụng thể thơ lục bát có âm hưởng trữ tình vang vọng, tha thiết, êm ái như lời ru; kiểu kết cấu đối đáp mang đậm sắc thái dân gian.
- Giọng thơ ngọt ngào đậm chất trữ tình.
- Kết hợp các biện pháp tu từ nghệ thuật: Liệt kê, ẩn dụ, những so sánh ví von truyền thống nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại.
- Thơ Tố Hữu là thơ chính trị, bởi đề tài trong thơ ông là những vấn đề chính trị, hồn thơ đó luôn hướng tới “cái ta” chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn và niềm vui lớn của Đảng, dân tộc, cách mạng.
- Thơ Tố Hữu cũng rất đỗi trữ tình: những vấn đề chính trị trong thơ Tố Hữu đã được chuyển hóa thành những vấn đề của tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành, đằm thắm với một giọng thơ ngọt ngào, tâm tình, giọng của tình thương mến.
- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình chính trị. Câu chuyện chính trị, chuyện chia tay lịch sử giữa nhân dân và cách mạng đã được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” tạm xa nhau đi làm nghĩa vụ.
- Đoạn thơ để lại vẻ đẹp của truyền thống dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.