Đề thi thử kỳ thi THPT QG 2022 môn Ngữ Văn - mã đề 03

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Năm học 2022

Bài thi môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề ôn thi số 3)

  1. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản:

Những con chim bồ câu tụ tập với nhau trong một cái chuồng trên ngọn cây, chúng thấy con chim đại bàng sải cánh trên cao, bèn bàn luận:

- Eo ơi, gió đùng đùng thế kia mà nó cứ bay lên cao làm gì nhỉ. Không xuống đây như bọn mình có phải an toàn hơn không?

- Báu bở gì cái trò bay một mình, cô đơn bỏ xừ! Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn… Đúng là đồ dở hơi!

Đại bàng tung hoành trong cơn bão, rồi đi săn mồi về tổ, nó nào ngó xuống để suy nghĩ về mấy con chim bồ câu?

Rồi một ngày, người chủ mang mấy con chim ra thịt đãi khách. Trước khi bị cắt tiết, chúng tiếc nuối nhớ về hình ảnh con chim đại bàng.

Đại bàng vẫn đi săn mồi, nào hay biết gì về mấy con chim bồ câu?

Con người khác con chim ở chỗ được lựa chọn, không nhất thiết phải là đại bàng hay bồ câu, nhưng dù ngồi ở vị trí nào, chủ động cho cuộc sống của chính mình vẫn là tốt nhất. Và đừng bao giờ phán xét người khác khi họ không thèm để ý đến mình.

Những người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất, buồn thay lại là những người hay phán xét nhất!”

( “Ngừng phán xét”, Ừ thì yêu! Đời có bao nhiêu, An Xinh Trương, NXB Phụ nữ, 2018, tr.156,157)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào?

Câu 2. Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm Đừng bao giờ phán xét người khác của tác giả không? Vì sao?

  1. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh /chị về hai đoạn thơ sau, từ đó anh /chị hãy làm nổi bật sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.

- “ Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

“… Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

( Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD 2015, tr.155 và tr.156).

Hướng dẫn làm bài chi tiết

  1. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình cách sống an toàn, không kiếm sống vất vả, ngày ngày có người cho ăn; hay bàn luận, phán xét về người khác.

Câu 2: Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất.

Câu 3: - Biện pháp nghệ thuật: Đối lập (kiếm mồi vất vả - sung sướng, ngày ngày có người cho ăn).

- Hiệu quả: làm nổi bật sự lựa chọn khác nhau của hai cách sống: sung sướng, chờ đợi hưởng thụ và khó nhọc kiếm tìm, chủ động tạo lập cuộc sống của mình.

Câu 4: Thí sinh nêu ý kiến của mình dựa trên sự lí giải phù hợp, thuyết phục. Có thể theo hướng:

- Đồng tình vì: Khi phán xét người khác chúng ta có thể sẽ sai lầm vì bản thân không hiểu rõ về họ, không ở trong hoàn cảnh, vị trí của họ.

Đồng tình nhưng bổ sung: Không phán xét không có nghĩa là thờ ơ với người khác, bàng quan trước thời cuộc...

  1. LÀM VĂN

Câu 1: 

  1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn

theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

  1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.
  2. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần phải làm rõ vấn đề tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân. Có thể theo hướng:

Việc chủ động cho cuộc sống bản thân giúp chúng ta:

- Tạo dựng nền tảng vững chắc cho cuộc đời mình.

- Suy nghĩ và hành động độc lập, làm chủ được tình thế, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống, nắm bắt được thời cơ thuận lợi cũng như sẵn sàng đối mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

- Không tụt hậu trong xã hội đang ngày một phát triển.

Thực hiện được ước mơ và vươn tới thành công, hạnh phúc...

Câu 2:

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bàigiới thiệu được vấn đề, Thân bàitriển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
  2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận hai đoạn thơ, từ đó làm nổi bật sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.
  3. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

* Cảm nhận hai đoạn thơ

(+) Đoạn thứ nhất: Tình yêu soi vào sóng để tự nhận thức:nhận thức về những trạng thái đối lập và hành trình từ sông ra biển tìm kiếm tình yêu đích thực

- Sóng và những trạng thái đối lập : dữ dội ,dịu êm ,ồn ào ,lặng lẽ như tình yêu có nhiều cung bậc ,như tâm hồn người phụ nữ có những mặt mâu thuẫn, đối lập mà thống nhất.

- Hành trình của sóng tìm tới biển khơi như hành trình của tình yêu hướng tới cái. vô biên, tuyệt đích, như tâm hồn người phụ nữ không chấp nhận sự chật hẹp, tù túng. Con sóng tìm ra biển rộng để tìm thấy chính mình, em hòa vào biển lớn cuộc đời để tìm thấy chính em đó là hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực

- Nghệ thuật : thể thơ 5 chữ , biện pháp đối lập, phép nhân hóa, kết cấu đối đáp của ca dao, giọng điệu trữ tình

Mượn hình ảnh sóng có những trạng thái đối lập tác giả thể hiện những cung bậc tình cảm phong phú phức tạp tronh trái tim người phụ nữ đang yêu . Thể hiện vẻ đẹp hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ .

(+) Đoạn thứ hai:

- Sóng là hình tượng thiên nhiên vĩnh cửu như tình yêu là khát vọng muôn đời của con người, người phụ nữ muốn hóa thân , dâng hiến cuộc đời mình cho tình yêu bất tử , hòa tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời .

- Khát vọng hòa vào biển lớn tình yêu cũng là khát vọng được tan vào sóng để ngàn năm còn vỗ.

- Nghệ thuật thể thơ 5 chữ , tác giả sử dụng từ ngữ ước lệ chỉ số lượng trăm con sóng /ngàn năm còn vỗ

Khổ thơ thể hiện khát vọng lớn lao của nhân vật trữ tình về một tình yêu bất tử ,vẻ đẹp của người phụ nữ dám sống hết mình cho tình yêu.

+ Sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình: từ băn khoăn không hiểu nổi mình đến hòa vào biển lớn tình yêu để tìm thấy chính mình; từ khát vọng tình yêu riêng tư đến khát khao được hòa nhập vào cuộc đời chung rộng lớn để dâng hiến trọn vẹn.

- Qua đó, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình: vừa chân thành,say đắm, vừa táo bạo, mãnh liệt, vừa truyền thống vừa hiện đại.

- Sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện thành công qua thể thơ chữ giàu nhạc điệu; kết cấu song trùng hai hình tượng sóng và em; ngôn từ giản dị, trong sáng; hình ảnh giàu sức gợi; biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, điệp, đối được vận dụng sáng tạo, tài hoa.