Thế nào là văn nghị luận? Tìm hiểu chung về văn nghị luận
Văn nghị luận là dạng bài tập xuyên suốt từ chương trình cấp 2 đến cấp 3 và chắc chắn sẽ xuất hiện trong đề thi đại học. Bạn đã nắm rõ thế nào là văn nghị luận và các dạng văn nghị luận hiện nay? Trong bài viết dưới đây cùng tìm hiểu kỹ về văn nghị luận và các dạng bài đi kèm nhé.
1. Văn nghị luận là gì?
Thế nào là văn nghị luận? Văn nghị luận là một loại văn bản được viết ra nhằm xác định cho người đọc, người nghe suy nghĩ, tư tưởng đối với các sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh đời sống thực tế hoặc trong các tác phẩm văn học.
Người viết sẽ thuyết phục người đọc, người nghe bằng những luận điểm, luận cứ của mình. Do đó, mỗi bài văn nghị luận sẽ mang những giá trị và màu sắc khác nhau.
Và chính những điều này tạo cho người đọc cảm giác bị thuyết phục bởi những dẫn chứng mà người viết đưa ra. Đây cũng chính là những khái niệm đầu tiên mọi người cần nắm trong bước tìm hiểu chung về văn nghị luận.
Có thể bạn đọc quan tâm: văn thuyết minh
2. Đặc điểm của văn bản nghị luận
Nhắc đến một văn bản nghị luận, điều đầu tiên nhắc đến đó là những luận điểm và hệ thống luận cứ, cuối cùng là cách lập luận của người viết nhằm thuyết phục người đọc. Cụ thể:
- Luận điểm: những quan điểm được nêu lên nhằm bảo vệ cho vấn đề cần chứng minh. Luận điểm bao gồm những ý kiến, tư tưởng, văn hoá, quan điểm… của người viết.
- Luận cứ dùng để làm sáng tỏ cho luận điểm, hệ thống luận càng chặt chẽ, dẫn chứng càng cụ thể càng bảo vệ tốt cho luận điểm đó.
- Cuối cùng là cách lập luận, lý luận của người viết nhằm sắp xếp hệ thống luận điểm, luận cứ hợp lý và tạo thành một chỉnh thể thống nhất và chặt chẽ.
Một bài văn nghị luận cơ bản cần đầy đủ những yếu tố trên, trong quá trình làm bài tuỳ vào sự sáng tạo và linh hoạt của người viết có thể thêm bớt hoặc sắp xếp hệ thống luận điểm, luận cứ để tạo nên bài văn có màu sắc, cá tính riêng.
3. Bố cục của bài văn nghị luận
Bố cục của một bài văn nghị luận thường thấy gồm các phần như sau:
Mở bài: Đặt vấn đề cần chứng minh, gợi mở cho người đọc sự tò mò, hứng thú với vấn đề.
Thân bài: Chứng minh vấn đề đưa ra bằng hệ thống luận điểm, luận cứ và lập luận bằng kỹ năng của người viết. Cụ thể:
- Luận điểm 1: luận cứ cho luận điểm 1 và dẫn chứng
- Luận điểm 2: luận cứ cho luận điểm 2 và dẫn chứng
… đến luận điểm n.
Kết bài: khẳng định lại vấn đề và tính đúng đắn của nó.
Nhìn chung, cách làm bài văn nghị luận khá đơn giản, chỉ cần tuân thủ đúng trình tự trên. Với phần thân bài, người viết có thể thỏa thích sáng tạo và lập luận theo suy nghĩ cá nhân.
4. Các phương pháp lập luận được sử dụng trong văn nghị luận
Có 07 thao tác lập luận trong văn nghị luận, được trình bày chính như sau:
- Phương pháp chứng minh: phương pháp này người viết sẽ sử dụng một loại dẫn chứng có thật xảy ra trong cuộc sống hàng ngày nhằm làm sáng tỏ và bảo vệ quan điểm đang được nhắc đến trong bài viết
- Phương pháp giải thích: phương pháp này đưa ra những nguyên nhân, lý do và lý giải cho quan điểm, hiện tượng được nêu ra trong luận điểm.
- Phương pháp phân tích: phương pháp này giải thích, lập luận từng khía cạnh của bộ phận, phương diện của luận điểm.
- Phương pháp so sánh: so sánh hiện tượng tương ứng ở các quốc gia khác nhau hoặc các đề tài, tác phẩm khác nhau để làm rõ tính đúng đắn của vấn đề.
- Phương pháp tổng hợp: kết hợp từ những phương pháp trên từ phân tích, giải thích và đưa ra dẫn chứng để bảo vệ cho luận điểm.
- Phương pháp bác bỏ: phương pháp ít khi được sử dụng, người viết bác bỏ quan điểm đối lập nhằm bảo vệ quan điểm được đưa ra trong bài viết.
- Phương pháp bình luận: cuối cùng là phương pháp khá khó, người viết bình luận, đưa ra những quan điểm và thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn để chứng minh quan điểm trong bài là đúng.
5. Các dạng nghị luận văn học
5.1. Nghị luận xã hội
Dạng bài văn nghị luận đầu tiên là dạng nghị luận về một vấn đề, hiện tượng hoặc quan điểm trong xã hội, cụ thể: nghị luận về hiện tượng cuộc sống hoặc nghị luận về tư tưởng đạo lý.
Trong cuộc sống có rất nhiều hiện tượng xảy ra, có hiện tượng tốt hiện tượng xấu và nhiệm vụ của người viết cần bàn luận về hiện tượng này, đưa ra ý kiến và các giải pháp cần thiết cho vấn đề.
Đây có thể là những hiện tượng nóng, hoặc những hiện tượng vẫn chưa có lời giải một cách chính xác. Vì vậy, tính chặt chẽ và liên kết giữa các luận điểm để làm nổi bật lên vấn đề là vô cùng quan trọng.
5.2. Nghị luận văn học
Nghị luận văn học là dạng bài mà người viết thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình về một đoạn văn, đoạn thơ bất kỳ. Ẩn sâu trong những câu văn, câu thơ không chỉ là lời miêu tả hay trần thuật thông thường mà nó còn ẩn chứa những trăn trở, suy tư của tác giả cũng như biểu tượng cho xã hội, con người lúc bấy giờ.
Vì vậy, có thể thấy đặc điểm chung của văn nghị luận văn học đó là tính nhân văn về một tư tưởng đẹp hay phê phán những thói hư, tật xấu thậm chí là phê phán cả xã hội với những tư tưởng sai lệch.
Cách làm một bài văn nghị luận văn học đa dạng hơn rất nhiều so với nghị luận xã hội. Từ nghị luận về một đoạn thơ, ca đến nghị luận về truyện ngắn, mỗi cách viết bài văn nghị luận đều có thể biến hoá, thay đổi theo cá nhân người viết.
6. Cách làm bài văn nghị luận
6.1. Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Mở bài: giới thiệu tư tưởng đạo lý và khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.
Thân bài:
- Giải thích (nếu có)
- Chứng minh tính đúng đắn: trả lời câu hỏi tại sao, như thế nào và đưa ra dẫn chứng
- Phê phán một số bộ phận đi ngược lại đạo lý
- Mở rộng: mặt trái của vấn đề…
Kết bài: khẳng định vấn đề một lần nữa.
6.2. Cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống
Mở bài: đề cập đến hiện tượng và tính cấp thiết của vấn đề
Thân bài:
- Giải thích (nếu có)
- Nêu những biểu hiện và thực trạng
- Nêu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng
- Nêu hậu quả
- Đưa ra giải pháp
Kết bài: Nêu lại vấn đề và mở rộng kêu gọi hành động.
Nhìn chung, cách làm một bài văn nghị luận xã hội khá đơn giản chỉ với những bước trên, quan trọng là hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng được sắp xếp một cách logic và chặt chẽ.
6.3. Cách làm bài văn nghị luận văn học
Cách làm bài nghị luận văn học phức tạp hơn so với làm một bài văn nghị luận xã hội. Các bạn cần chú ý ở mỗi phần như sau:
Phần mở bài: nêu được yêu cầu của đề bài và phải làm nổi bật được vấn đề.
Phần thân bài:
– Khái quát về tác giả, tác phẩm. Điều này rất quan trọng vì đây chiếm một phần điểm trong tổng thể toàn bài.
– Phần nội dung chính:
- Trước tiên đối với thơ, người làm cần trích nguyên văn đoạn thơ trong ngoặc kép.
- Tiếp theo, bạn cần xác định những luận điểm chính từ đó chứng minh dựa vào các luận cứ và dẫn chứng đi kèm.
- Đối với thơ, tuyệt đối không được quên phân tích các biện pháp tu từ.
- Để tăng chiều sâu cho bài viết, cần sử dụng linh hoạt các phương pháp trên từ so sánh, bình luận, đối chiếu giữa các nhân vật hoặc tác giả này với tác giả kia.
– Phần kết bài: nhắc lại một lần nữa vấn đề đặt ra và đánh giá chung về tổng thể tác phẩm.
7. Cách làm tốt văn nghị luận
Không có một cách để viết một bài văn nghị luận hay cố định nào vì văn học là không có bất kỳ quy tắc nào. Tuy nhiên chúng tôi đã tổng hợp một vài mẹo nhỏ trong quá trình làm văn nghị luận:
- Trước tiên cần đúng cấu trúc của một bài văn nghị luận. Bạn cần phải tuân thủ đúng bố cục yêu cầu của bài văn nghị luận. Vì có rất nhiều bạn trong quá trình tìm hiểu về văn nghị luận không kỹ càng và đã “sáng tạo” những bố cục mới cho bố cục bài. Sự sáng tạo trong văn học là cực kỳ tốt tuy nhiên cần sáng tạo đúng lúc đúng chỗ.
- Xác định các ý cần triển khai trước tiên sau đó sắp xếp một cách hợp lý, cuối cùng là đưa vào bài bằng những lập luận của mình.
- Đối với văn nghị luận xã hội, giọng văn cần sự chắc chắn, logic và liên kết với nhau.
- Đối với văn nghị luận văn học, giọng văn cần sự nhẹ nhàng và liên kết với nhau qua từng ý.
- Cuối cùng, tuyệt đối không được giới thiệu sai tác giả tác phẩm trong khi làm văn nghị luận văn học.
Các lưu ý này có thể áp dụng với tất cả các trường hợp bài văn nghị luận xã hội và cũng là gợi ý cách làm tốt văn nghị luận. Nếu như các bạn vẫn còn băn khoăn về các đặc điểm của văn nghị luận cũng như cách để làm tốt một bài văn nghị luận, tham khảo ngay bài viết trên nhé. Ngoài ra, còn rất nhiều các bài luyện thi trắc nghiệm online hay mà các em học sinh có thể luyện tập để đạt điểm thật cao trong kỳ thi sắp tới! Cùng học giỏi với Học Thông Minh thôi!