Kỳ Thi Đánh Giá Năng Lực Là Gì? Tổng Hợp Từ A tới Z Thông Tin Cần Biết về Kỳ Thi ĐGNL 2023
Với mục tiêu nhằm mở rộng phương án tuyển sinh, cũng như nâng cao chất lượng đầu vào, trường Đại học Quốc Gia đã tổ chức kỳ thi Đánh giá Năng lực riêng với nhiều đợt thi và só lượng thí sinh khổng lồ qua các năm. Vậy kỳ thi Đánh giá Năng lực là gì?, cấu trúc bài thi ra sao?, và bạn có nên tham gia kỳ thi này không? Cùng Học Thông Minh tìm hiểu “từ A đến Z” về kỳ thi Đánh giá năng lực ngay nhé!
1. Kỳ thi đánh giá năng lực là gì?
Thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) là một bài thi tổng hợp cơ bản được sử dụng để đánh giá năng lực của các thí sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả của bài kiểm tra dùng để xét tuyển vào các trường Đại học có sử dụng bài thi Đánh giá năng lực như một phương án xét tuyển.
Bài thi đánh giá năng lực được trường Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng đầu tiên vào những năm 2014-2015 để tuyển chọn các thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của trường, sau đó được các trường Đại học khác sử dụng kết quả và áp dụng tiếp tới tận bây giờ.
Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài trường Đại học Quốc gia Hà Nội, còn có trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư Phạm Hà Nội và Bộ Công an có sử dụng bài thi đánh giá năng lực riêng của mình.
Tổng quan chung về bài thi Đánh giá năng lực, dạng đề thông thường là trắc nghiệm với trung bình 120 câu hỏi trong bài thi tổ hợp với thời gian làm bài 150 phút, tùy vào mỗi trường mà số lượng và thời gian có sự khác nhau. Nội dung bài thi được xây dựng với hướng tiếp cận giống như hình thức của bài thi SAT và TSA.
1.1. Ý nghĩa của kỳ thi đánh giá năng lực
Kỳ thi Đánh giá năng lực được tổ chức hàng năm với mục đích đánh giá các thí sinh dự thi và trong việc xét tuyển trong các kỳ tuyển sinh. Cuộc thi này không chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn thí sinh có năng lực phù hợp với môi trường đào tạo của trường mà còn thể hiện sự quan tâm của các trường Đại học với chất lượng học viên của mình.
1.2. Mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực
Kỳ thi này có mục tiêu tương đối rõ ràng đó là:
- Hỗ trợ xét tuyển các thí sinh vào các trường Đại học như mong muốn
- Là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của học sinh THPT sau khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông
- Thước đo tiêu chuẩn cho học sinh trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân
- Đánh giá trình độ, cách tư duy cũng như kỹ năng làm bài của các thí sinh
2. Bài thi đánh giá năng lực bao gồm những gì?
2.1. Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực
Hình thức: Theo công bố mới nhất của Đại học Quốc gia, bài thi Đánh giá năng lực năm 2023 của trường được tổ chức dưới hình thức 100% trắc nghiệm. Điểm mới về hình thức thi năm 2023 đó là trường Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ áp dụng làm bài thi 100% trên máy tính.
Về cấu trúc của bài thi, cùng theo dõi bảng dưới đây để biết chi tiết các phần, nội dung thi cũng như thời gian để hoàn thành bài thi nhé:
Cấu trúc bài thi Đánh giá Năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội:
Môn thi | Nội dung thi | Số câu | Thời gian làm bài |
---|---|---|---|
Tư duy định lượng | Đa số câu hỏi của phần này thuộc dạng đọc biểu đồ kết hợp với việc vận dụng các kiến thức như đạo hàm, tích phân, số mũ | 50 | 75 phút |
Tư duy định tính | Chủ yếu bao gồm các câu đọc hiểu văn bản. Thí sinh được yêu cầu vận dụng các kiến thức về Ngữ Văn, Tiếng Việt để giải quyết các vấn đề được đưa ra | 50 | 60 phút |
Khoa học | Phần thi này sẽ thuộc các môn học tự nhiên trong chương trình học như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa | 50 | 60 phút |
Cấu trúc bài thi Đánh giá Năng lực của trường Đại học Quốc gia TP HCM:
Môn thi | Nội dung thi | Số câu | Thời gian làm bài |
---|---|---|---|
Sử dụng ngôn ngữ | Đa số câu hỏi của phần này thuộc dạng đọc hiểu dưới dạng bao gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt | 40 | 50 phút |
Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu | Thí sinh vận dụng các kỹ năng Toán đã học để làm phần thi này | 30 | 40 phút |
Giải quyết vấn đề | Phần thi này sẽ thuộc các môn học tự nhiên trong chương trình học như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa | 50 | 60 phút |
2.2. Cách tính điểm bài thi Đánh giá năng lực
Điểm của bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi câu hỏi có giá trị tương đương nhau là 1 điểm, tổng bài thi là 150. Khác với ĐH QG HN, ĐH QG TP HCM quy định mỗi câu trong bài có giá trị 10 điểm, tổng điểm là 1200.
Tuy cách tính điểm của 2 trường có sự khác biệt nhưng cả 2 đều sử dụng bộ chuyển đổi điểm số để có thể hỗ trợ các bạn thí sinh có thể linh hoạt trong việc sử dụng kết quả của bài thi này tham gia xét tuyển vào các trường Đại học khác có sử dụng kết quả của bài thi trên.
Đại học Quốc gia HN: Điểm quy đổi (thang 30) = Điểm thi đánh giá năng lực x 30/150
Đại học Quốc gia TP HCM: Điểm quy đổi (thang 30) = Điểm thi đánh giá năng lực x 30/1200
>> Đọc thêm: Xu hướng xét tuyển dựa trên bài thi riêng: Đại học Quốc gia TP HCM dành 45% Chỉ Tiêu Xét Điểm Đánh Giá Năng Lực
2.3. Lịch thi Đánh giá Năng lực
Năm 2023 tại Hà Nội mở rộng địa điểm thi với lịch thi gồm 8 đợt, được tổ chức vào các khung thời gian lần lượt như sau:
Đợt thi | Thời gian thi | Địa điểm thi |
Đợt 1: HSA 301 | 10/3/2023 & 11-12/3/2023 | 8 thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên. |
Đợt 2: HSA 302 | 23-24/3/2023 & 25-26/3/2023 | |
Đợt 3: HSA 303 | 06-07/4/2023 & 08-09/4/2023 | |
Đợt 4: HSA 304 | 20-21/4/2023 & 22-23/4/2023 | |
Đợt 5: HSA 305 | 11-12/5/2023 & 13-14/5/2023 | |
Đợt 7: HSA 307 | 18-19/5/2023 & 20-21/5/2023 | |
Đợt 8: HSA 308 | 01-02/6/2023 & 03-04/6/2023 |
Tại Thành Phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức thành 2 đợt thi với 17 địa điểm thi TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ với lịch thi 2 đợt như sau:
- Đợt 1: Ngày 26/3/2023
- Đợt 2: 28/5/2023
>>Đọc thêm: Đại học Quốc gia TP HCM Chính Thức Công Bố Lịch Thi Đánh Giá Năng Lực 2023
3. Có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không?
3.1. Ưu điểm
Với xu hướng tuyển sinh bằng bài thi riêng như hiện tại, ta có thể thấy rằng việc tham dự kỳ thi này giúp tăng cơ hội trúng tuyển của các thí sinh lên khá nhiều so với việc chỉ sử dụng kết quả bài thi THPT thông thường.
Bên cạnh đó, các trường Đại học sử dụng bài thi này như một thước đo phản ánh đúng năng lực cửa các thí sinh dự thi, phân hóa chính xác các đối tượng của kỳ thi này. Các bạn học sinh cũng có thể đánh giá chính xác và hiểu rõ năng lực của bản thân và đưa ra lựa chọn cũng như mục tiêu phấn đấu phù hợp nhất cho mình.
3.2. Nhược điểm
Một điều chắc chắn không thể chối cãi, đó là thêm một kỳ thi là thêm một áp lực thi cử. So với chương trình học được đánh giá là tương đối nặng hiện nay, vì vậy ôn thi một bài thi mới cũng hình thành một áp lực không nhỏ tới các bạn.
Bên cạnh đó, địa điểm thi và phương án di chuyển cũng là một vấn đề nhức nhối, đòi hỏi các trường cần mở rộng địa điểm tổ chức thi hơn nữa để thuận tiện cho việc đi lại tới các địa điểm thi cho các thí sinh.
Một trong những nhược điểm của kỳ thi này đó là tính phổ cập với các đối tượng học sinh vùng cao, xa xôi hẻo lánh. Cho dù được phổ biến, nhưng các em cũng sẽ gặp khó khăn trong khâu ôn tập và đăng ký dự tuyển.
4. Một số câu hỏi thường gặp về kỳ thi đánh giá năng lực
4.1. Kỳ thi Đánh giá năng lực có bắt buộc không?
Câu trả lời là hoàn toàn không. Do đây là kỳ thi của các trường đại học tổ chức, nên các em không bắt buộc phải tham gia cuộc thi này.
4.2. Thi Đánh giá năng lực rồi có cần thi Đại học nữa không?
Các em học sinh vẫn cần hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT để được xét tốt nghiệp. Nếu sử dụng kết quả bài thi ĐGNL, các em không cần sử dụng kết quả của bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển Đại học.
Tóm gọn lại, Đánh giá năng lực không phải một kỳ thi quá mới, nhưng đang dần trở thành xu hướng xét tuyển Đại học trong thời gian tới. Học Thông Minh hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích nhất tới các bạn đọc, cũng như trang bị thêm kiến thức để đương đầu với những thử thách sắp tới! Để có được kết quả tốt nhất, luyện tập là yếu tố không thể thiếu. Truy cập và đăng ký tài khoản tại hocthongminh.com để trang bị đầy đủ những tri thức và kỹ năng làm bài tốt nhất ngay hôm nay!