Văn 12 – Cách Nghị Luận về một đoạn thơ, bài thơ
Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là một trong những kiến thức nền tảng nhất, hình thành nên cách triển khai những luận điểm, nhận định của các em học sinh về tác phẩm văn học. Chính vì vậy, các em học sinh cần nắm vững chắc chắn phần nội dung này, nhất là khi làm các bài tập, bài thi quan trọng. Để biết cách nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, các em học sinh cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này với Học Thông Minh nhé!

1. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là gì?
Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là một trong những dạng nghị luận thuộc nghị luận văn học. Khi trình bày, đưa ra những nhận xét, đánh giá của bản thân về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ nào đó thì sẽ được gọi là nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.
Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần phải phân tích rõ ràng các yếu tố về nội dung, nghệ thuật, hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu với những nhận xét thật rõ ràng, đánh giá cụ thể, xác đáng. Bố cục của bài phải được thể hiện rõ ràng, mạch lạc, khiến người đọc, người nghe có thể cảm nhận được sự rung động, những chân thành trong lời nói, cách thể hiện của người viết, chứ không phải đơn thuần là những phân tích không không có tính cảm nhận.
Có thể bạn cũng quan tâm: Nghị luận xã hội
2. Các dạng đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Khi đọc đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, ta có thể dễ dàng nhận ra 04 dạng đề bài phổ biến dưới đây:
2.1. Dạng 1: Phân tích toàn bộ bài thơ
Ở dạng đề này, người ta thường lựa chọn những vấn đề chủ chốt làm nên sự khác biệt của bài thơ này với các bài thơ khác, hoặc một khía cạnh nổi bật, khiến người đọc phải suy ngẫm, đánh giá về nó sau khi đọc xong tác phẩm làm chủ đề nghị luận.
Ví dụ: Phân tích hình ảnh “xe không kính” trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
2.2. Dạng 2: Phân tích một đoạn thơ trong bài thơ
Đây thường là một đoạn thơ có giá trị về nội dung hoặc đặc sắc nghệ thuật rõ rệt mà người đọc có thể dễ dàng nhận thấy. Các đoạn thơ này thường rất hay được trích dẫn làm các luận điểm, ví dụ khi tiến hành phân tích, hoặc so sánh.
Ví dụ: Phân tích 2 khổ thơ đầu tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh.
2.3. Dạng 3: Phân tích một hình ảnh được nhắc tới trong đoạn thơ, bài thơ
Khi ra đề, hình ảnh được lựa chọn để phân tích trong bài thơ, đoạn thơ là hình ảnh có tính biểu tượng, giá trị về nội dung, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đều được thể hiện qua bài thơ này.
Ví dụ: Phân tích hình tượng người lính được thể hiện trong bài thơ Tây Tiến.
2.4. Dạng 4: So sánh hai đoạn thơ, bài thơ với nhau
Để có thể thực hiện so sánh hai đoạn thơ hoặc bài thơ với nhau, chắc chắn phải có sự tương đồng và gần gũi giữa chúng với nhau. Vì vậy, khi nhận được đề bài so sánh hai tác phẩm với nhau, các em học sinh bước đầu nên tìm hiểu sự giống và tương phản giữa chúng, để có thể triển khai phân tích, liên kết hai tác phẩm với nhau.
Ví dụ: Nêu cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nắng mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
( Nguyễn Bính, Tương tư )
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
( Tố Hữu, Việt Bắc )

3. Những kỹ năng cần thiết để làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Để làm bài nghị luận phân tích về một đoạn thơ, bài thơ, các em học sinh cần trang bị cho bản thân một cách chắc chắn những kỹ năng sau đây để tạo nên bài phân tích hay, nội dung nghị luận sâu sắc, mang lại cho người đọc, người chấm điểm cảm nhận rằng các em có sự hiểu biết nhận định về tác phẩm:
- Kỹ năng phân tích: Có suy nghĩ logic, hiểu và nêu được quan điểm cá nhân về các khía cạnh của bài thơ, đoạn thơ để rút ra những nhận định về lối suy nghĩ của tác giả
- Kỹ năng cảm nhận: Các em học sinh có sự quan tâm, lưu ý, nhận ra những cảm thụ, tâm tư của người viết về đoạn thơ, bài thơ đó
- Kỹ năng suy nghĩ: Từ những suy nghĩ riêng, các em có thể nhận ra, rút ra những suy nghĩ chúng, những suy luận về yếu tố nghệ thuật, nội dung của bài thơ
- Kỹ năng học thuộc thơ: Để có thể viết một bài phân tích về một đoạn thơ, bài thơ, việc ghi nhớ, thuộc các bài thơ là điều cần thiết. Các em học sinh đòi hỏi không chỉ thuộc bài thơ, đoạn thơ mà mình phân tích, còn cần vốn kiến thức về các bài thơ, đoạn thơ khác để làm dẫn chứng, so sánh, lấy ví dụ,… Do đó, các em nên tham khảo cách học thuộc thơ nhanh để có thể áp dụng tối đa vào bài nghị luận của mình nhé!
Ngoài các kỹ năng trên, các em học sinh có thể tham khảo các cách học giỏi văn để trau dồi vốn kiến thức, luyện tập nâng cao khả năng học tốt môn Ngữ Văn của mình!

4. Dàn ý cách làm bài nghị luận một đoạn thơ, bài thơ
Khi tiến hành làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, các em học sinh nên thực hiện lập dàn ý trước, để có thể lên khung hoàn chỉnh cho bài văn nghị luận của mình, tránh bỏ sót ý, thiếu ý hoặc nội dung quá lan man, dài dòng, không đi vào trọng tâm phân tích. Học Thông Minh giới thiệu một dàn ý tổng quát để các em có thể áp dụng vào bài làm của mình của mình.
4.1. Mở bài
– Giới thiệu ngắn gọn, những đặc điểm nổi bật, riêng biệt của tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu vấn đề nghị luận của bài, đưa các trích dẫn (nếu cần)
4.2. Thân bài
– Giới thiệu về bài thơ: hoàn cảnh sáng tác, những tác động ảnh hưởng đến tác phẩm, nêu vị trí đoạn thơ trong bài,…
– Đưa ra các phân tích cụ thể:
- Bố cục (bổ ngang)
- Hình tượng trong tác phẩm (bổ dọc)
– Đưa ra nhận xét, phân tích về đặc sắc nghệ thuật:
- Các biện pháp tu từ đặc sắc
- Câu cú, nhịp điệu
- Hình giàu ý biểu tượng
4.3. Kết bài
– Nêu nhận xét, đánh giá chung về đoạn thơ
– Nêu lên những giá trị mà đoạn thơ, bài thơ mang lại
5. Luyện tập
Đề bài: Ngoài các luận điểm đã nêu về hình ảnh mùa xuân trong bài Mùa xuân nho nhỏ ở văn bản trên, hãy suy nghĩ và nêu thêm các luận điểm khác nữa về bài thơ đặc sắc này.
Gợi ý: Một số luận điểm như: Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên; Vẻ đẹp của mùa xuân đất nước…
– Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp trong tưởng tượng của tác giả:
- Các hình ảnh đặc trưng của mùa xuân: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng
- Âm thanh tiếng chim chiền chiện.
- Giọt long lanh: hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo.
=> Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng.
– Vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:
- Hình ảnh lộc xuân trên “nương mạ”: cuộc sống lao động xây dựng đất nước của lực lượng sản xuất.
- Hình ảnh người cầm súng: niềm tin vào ngày mai hòa bình.
- Từ láy “hối hả” và “xôn xao”: thể hiện nhịp sống lao động khẩn trương vội vã nhưng nhộn nhịp, vui vẻ kết hợp hài hòa với nhau.
- Đất nước được so sánh với những hình ảnh đẹp đẽ, kì vĩ.
- Nhắc nhở mọi người nhớ về những tháng ngày gian khổ trong chiến đấu, cách mạng
- Phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước dù khó khăn gian khổ.
=> Sự lạc quan tin tưởng của nhà thơ ca ngợi sức sống, sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước, dân tộc cho dù trước mắt trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.
Để hỗ trợ các em học sinh lớp 12 hoàn thành tốt các nội dung ôn tập cho học kỳ 2 sắp tới, các em học sinh có thể tham khảo ngay nội dung luyện tập nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ ở ngay đây nha!
Học Thông Minh vừa giới thiệu cho các em học sinh nội dung kiến thức nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ với những thông tin chi tiết nhất để hỗ trợ các em học sinh có thêm một phần kiến thức nền tảng trong chương trình văn học THPT. Đây là nội dung tương đối quan trọng, nên các em học sinh lưu ý hiểu và ghi nhớ nhé! Để luyện tập thêm các nội dung môn ngữ Văn và các môn học khác, đừng quên đăng ký tài khoản và làm các bài trắc nghiệm online hoàn toàn miễn phí cùng Học Thông Minh nhé!