Cách làm bài văn nghị luận xã hội hiệu quả và đạt điểm tuyệt đối
Văn nghị luận xã hội là một trong những dạng văn cơ bản nhất trong đề thi Ngữ Văn THPT Quốc gia. Bạn vẫn còn lúng túng với các dạng đề văn nghị luận xã hội? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách viết văn nghị luận xã hội cơ bản nhất giúp bạn đạt điểm tuyệt đối với đề văn này.
1. Văn nghị luận xã hội là gì?
Văn nghị luận xã hội một trong những kiểu văn nghị luận phổ biến nhất hiện nay. Nó bao gồm những bài văn dài bàn luận về xã hội, chính trị, các sự kiện – tư tưởng trong đời sống. Đây là dạng bài quen thuộc trong các bài thi môn ngữ văn mà bất cứ học sinh nào cũng cần học cách làm bài.
Thông qua bài văn nghị luận xã hội, học sinh thể hiện suy nghĩ, nhận định của bản thân về tư tưởng, đạo lí, cái nhìn hai chiều tích cực – tiêu cực,… để từ đó đúc rút ra những bài học ý nghĩa cho cuộc sống.
2. Cấu trúc bài văn nghị luận xã hội mọi học sinh cần biết
Biểu điểm của bài văn nghị luận xã hội trong đề thi môn Ngữ Văn thường chiếm 2 điểm, được trình bày dưới hình thức của một bài văn hoặc đoạn văn ngắn. 8 điểm còn lại sẽ thuộc nội dung nghị luận văn học. Có 2 kiểu văn nghị luận xã hội thường gặp nhất là nghị luận về tư tưởng đạo lí và nghị luận về sự việc – hiện tượng. Mỗi loại sẽ có bố cục bài văn nghị luận xã hội khác nhau.
Học sinh cần nắm rõ các bước viết bài văn nghị luận xã hội mỗi dạng để làm bài.
2.1. Nghị luận về tư tưởng đạo lý
Đây là dạng đọc hiểu tích hợp nghị luận về một tư tưởng đạo lí khá phổ biến: Cách triển khai bài viết:
- Giải thích từng từ ngữ về tư tưởng, đạo lý.
- Phân tích tại sao lại có ý nghĩa như vậy.
- Đưa ra dẫn chứng làm rõ.
- Bàn luận và lật lại vấn đề.
- Liên hệ thực tế trong đời sống xã hội.
- Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và mọi người.
2.2. Nghị luận về sự việc, hiện tượng
Dạng nghị luận xã hội về sự việc, hiện tượng tiêu cực:
- Giải thích về sự việc, hiện tượng.
- Nêu thực trạng xã hội về sự việc, hiện tượng đó.
- Nguyên nhân xảy ra, hậu quả để lại.
- Nêu giải pháp và bài học kinh nghiệm.
- Liên hệ bản thân.
Dạng nghị luận xã hội về sự việc, hiện tượng tích cực:
- Giải thích về sự việc, hiện tượng.
- Phân tích sự việc, hiện tượng, đưa ra các luận điểm, dẫn chứng chứng minh tích tích cực.
- Bình luận khái quát về vấn đề và đưa ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
3. Cách làm bài văn nghị luận xã hội hay
Cách viết bài văn nghị luận xã hội hay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong quá trình học cách làm văn nghị luận xã hội, bạn cũng cần bỏ túi một vài lưu ý dưới đây để có thể tự tin ăn điểm với dạng bài quen thuộc này:
- Chăm chỉ đọc sách báo, bổ sung các kiến thức về đời sống xã hội. Đây là cách giúp bạn có thể đưa được nhiều dẫn chứng thực tế vào bài viết để tăng tính thuyết phục, đồng thời rèn luyện tư duy phản biện, xây dựng góc nhìn đa chiều về sự vật sự việc.
- Không nên phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến đám đông. Một bài văn nghị luận hay là bài văn thể hiện được quan điểm của người viết và có tính thuyết phục cao cùng những lý lẽ xác đáng.
- Viết ngắn luôn khó hơn viết dài. Bạn cần phải luyện tập thật nhiều để có thể viết đúng với dung lượng mà đề bài yêu cầu mà vẫn đảm bảo tính thuyết phục và độ tin cậy từ những dẫn chứng chứng minh cho quan điểm của mình.
4. Các bước làm văn nghị luận xã hội đơn giản nhất
Để có thể viết nên một bài văn nghị luận xã hội cơ bản nhất, bạn cần nắm được các cách triển khai đề bài, xây dựng ý tưởng viết,… Dưới đây sẽ là các bước làm bài văn nghị luận xã hội đơn giản và dễ ứng dụng nhất giúp bạn có thể dễ dàng bắt đầu với bất cứ bài văn nghị luận xã hội nào:
4.1. Đọc kỹ đề bài nhiều lần
Điều đầu tiên để làm tốt bài văn nghị luận xã hội đó là đọc thật kỹ đề bài. Bạn cần phân biệt đây là dạng nghị luận xã hội tư tưởng đạo lý hay là dạng nghị luận xã hội về sự việc, hiện tượng.
Sau đó, hãy dùng bút để gạch những ý chính, keyword quan trọng trong đề. Điều này sẽ giúp bạn làm đúng ý, không bị lỡ mất các chi tiết chính và từ đó có những định hướng làm bài đầu tiên.
4.2. Lập dàn ý ra nháp
Rất nhiều học sinh quen với việc lập dàn ý trong đầu và bắt đầu viết bài ngay như một cái máy. Trừ phi bạn là học sinh học chuyên Văn và đã có rất nhiều kinh nghiệm với các dạng bài nghị luận xã hội, còn lại, bạn nên dành thời gian để lập dàn ý.
Lập dàn ý sơ lược ra ngoài giấy nháp sẽ giúp bạn thống kê được các ý tưởng chứng minh, các cách triển khai bài. Từ đó, bạn có thể chủ động kiểm soát lượng từ cần viết và giúp bài văn mạch lạc, dễ hiểu hơn nhờ khung bài được vạch ra rõ ràng từ trước.
4.3. Chuẩn bị những dẫn chứng phù hợp
Các dẫn chứng chứng minh rõ ràng là một trong những yếu tố giúp bài văn nghị luận xã hội của bạn trở nên đáng tin cậy hơn. Bạn nên sử dụng những dẫn chứng từ người thật, việc thật,… không nên lấy từ các nguồn chung chung, không có sự việc cụ thể.
Đưa dẫn chứng là một phần nhỏ trong việc chứng minh luận điểm của bạn nên bạn không nên dành thời gian kể lể lan man, dài dòng ở phần này mà hãy tập trung đúng vấn đề nhất có thể.
4.4. Sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn nhưng chặt chẽ
Việc sử dụng ngôn từ trong nghị luận xã hội vô cùng quan trọng, ngược lại với nghị luận văn học. Bạn không có nhiều thời gian cũng như dung lượng chữ cho dạng bài này nên rất cần viết hàm súc, ngắn gọn nhất. Mỗi lập luận đưa ra đều phải đáp ứng tính chặt chẽ, có tác dụng chứng minh cho luận điểm của bài.
Tiết chế cảm xúc vào ngôn từ là điều vô cùng quan trọng trong nghị luận xã hội. Bạn cần tạo thái độ trung lập, quan điểm được nhìn từ hai chiều của vấn đề nên rất cần tránh đưa cảm xúc cá nhân vào bài viết một cách quá đà.
4.5. Đừng đánh giá thấp bài học nhận thức và hành động
Kinh nghiệm đúc rút ra cho cá nhân người viết và cộng đồng là phần không thể thiếu phía cuối mỗi bài văn nghị luận xã hội. Văn học luôn hướng con người ta tới sự lương thiện, tử tế. Những bài học đúc rút ra thường hướng người viết và người đọc bài tới cách sống tốt đẹp hơn.
4.6. Đảm bảo dung lượng bài
Với dạng bài nghị luận xã hội, bạn nên chú ý không viết quá dài hoặc quá ngắn. Hãy tập trung viết và áng chừng để có thể tuân thủ yêu cầu về số lượng chữ mà đề bài yêu cầu. Viết quá dài hoặc quá ngắn đều khiến bạn mất điểm với nghị luận xã hội.
5. Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội
Đoạn văn nghị luận xã hội thường có dung lượng khoảng 200 từ, ngắn gọn hơn một bài văn rất nhiều. Để làm được dạng bài này, mỗi học sinh cần nắm được các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội cơ bản dưới đây:
5.1. Đọc kỹ đề bài
Thông thường, trong đề thi của Bộ GD-ĐT, đề bài nghị luận văn học sẽ lấy một ý nhỏ trong bài đọc hiểu cho dạng đề đoạn văn 200 từ. Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm trong cách làm một bài văn nghị luận xã hội hay chính là đọc hiểu nội dung của bài đọc cho sẵn và xác định đúng dạng đề.
5.2. Xây dựng mở đoạn
Vì dung lượng chỉ có 200 chữ nên bạn không nên mở đầu dông dài mà nên khái quát và đề cập thẳng vào vấn đề. Mở đoạn nên kéo dài khoảng 2 câu ngắn là hợp lý nhất.
5.3. Triển khai các ý thân đoạn
Bố cục thân đoạn hợp lý nhất cho một đoạn văn 200 chữ bài nghị luận xã hội đó là:
- Giải thích: 4 dòng – đặt các câu hỏi vì sao, tại sao và trả lời một cách rõ ràng, khái quát nhất ý nghĩa của tư tưởng, hiện tượng.
- Bàn luận: 12 dòng – học sinh bắt đầu bàn luận về vấn đề. Mỗi luận điểm, luận cứ cần đi kèm dẫn chứng chứng minh tạo cảm giác đáng tin cậy.
- Lật lại vấn đề: 4 dòng – ở phần này, học sinh cần phản biện lại các luận điểm mà mình đã đưa ra, tạo cái nhìn đa chiều về tư tưởng, sự việc, hiện tượng.
- Rút ra bài học thực tiễn: 3 dòng – một cách khái quát lại những gì đã học được từ bài đọc hiểu, đúc rút những bài học, kinh nghiệm sống tốt đẹp.
5.4. Kết đoạn ngắn gọn
Bước cuối cùng trong chuỗi cách làm đề văn nghị luận xã hội chính là tạo nên kết đoạn ngắn gọn, súc tích trong cách làm đoạn văn nghị luận xã hội đó là liên hệ với thực tế bản thân. Bạn có thể đưa ra một câu châm ngôn, câu nói nổi tiếng để khái quát vấn đề.
Hy vọng với bài viết mà Học Thông Minh chia sẻ các bạn học sinh đã bỏ túi các bước làm bài văn nghị luận xã hội và các bước làm đoạn văn nghị luận xã hội hay, hiệu quả nhất. Áp dụng cách làm văn nghị luận xã hội mà chúng tôi gợi ý sẽ giúp bạn đạt điểm cao với dạng văn này ở mọi kì thi. Bên cạnh đó, Học Thông Minh hỗ trợ bạn đọc, các em học sinh luyện tập miễn phí toàn bộ các bài luyện thi trắc nghiệm online với nội dung phong phú không chỉ có Ngữ Văn mà còn rất nhiều các môn học khác. Tham gia ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN và luyện tập với chúng mình nhé!