Cách làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lí hay và chi tiết nhất
Nghị luận về tư tưởng đạo lí là dạng bài vô cùng quan trọng trong bài kiểm tra, bài thi môn văn của các bạn học sinh. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu cách làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lí giúp bạn có thể chinh phục được điểm số cao nhất.
1. Khái quát dạng bài nghị luận về tư tưởng đạo lí
Nghị luận về tư tưởng đạo lí là một trong hai dạng bài của văn nghị luận xã hội, được dùng để bàn bạc, trình bày suy nghĩ về các vấn đề nhận thức (lý tưởng, ước mơ, mục đích sống), tính cách phẩm chất (vị tha, nhân ái, giàu tình yêu thương…), các mối quan hệ (quan hệ gia đình, quan hệ xã hội) hay cách đối nhân xử thế.
Trong đề bài có thể nêu rõ vấn đề nghị luận hoặc chỉ đưa ra một câu danh ngôn, một đoạn truyện và bạn cần tự xác định vấn đề nghị luận.
Quan điểm được đưa ra trong bài văn cần phù hợp với đạo đức, đạo lý, mang tính khách quan, chân thực và có liên quan trực tiếp tới đời sống xã hội, đời sống tinh thần của con người.
2. Các dạng đề nghị luận tư tưởng đạo lí thường gặp
Có 2 dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí mà bạn sẽ gặp trong quá trình học tập cũng như làm bài:
Kiểu 1: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí được đưa ra trong một nhận định (có thể là một câu nói nổi tiếng, châm ngôn, ngạn ngữ…)
Kiểu 2: Nghị luận về một phẩm chất, tính cách của con người
Mỗi kiểu bài cần có hướng triển khai khác nhau. Đặc biệt, trong trường hợp đề bài nêu rõ vấn đề nghị luận hay cần phải tự xác định vấn đề nghị luận thì bài viết cũng cần được triển khai với dàn ý khác nhau.
3. 2 dàn bài nghị luận tư tưởng đạo lí giúp bạn đạt điểm cao
Với dạng bài nghị luận về tư tưởng đạo lí này, bạn có thể triển khai theo 2 hướng khác nhau. Đây là 2 dàn bài được hướng dẫn trong biểu mẫu chấm thi nên bạn chỉ cần ghi nhớ một trong hai dàn bài và luyện tập thật nhiều để chuẩn bị tốt cho các kỳ thi
3.1. Dàn bài văn nghị luận tư tưởng đạo lí 1
Bước 1: Giải thích
- Dù bài nêu rõ vấn đề nghị luận hay chưa, bạn cũng cần nêu lại vấn đề cần nghị luận, sau đó giải thích vấn đề.
- Đối với đề bài đưa ra vấn đề nghị luận dưới dạng một câu châm ngôn, ngạn ngữ hay một đoạn truyện thì bạn cần xác định những từ khóa chính trong đề bài, sau đó giải thích những từ khóa đó để hiểu được vấn đề cần nghị luận là gì.
- Sau khi làm rõ vấn đề cần nghị luận, hãy rút ra ý nghĩa chung của vấn đề tư tưởng đạo lí này để làm tiền đề phân tích sâu hơn ở các luận điểm sau.
Bước 2: Phân tích
- Khi đã hiểu rõ vấn đề tư tưởng đạo lý, bạn cần phân tích vấn đề đó đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp. Thông thường, các vấn đề được đưa ra đều là đúng và có ý nghĩa giáo dục cao.
- Tiếp theo, bạn sẽ phân tích và bàn luận sâu hơn tại sao vấn đề đó đúng, kết hợp cùng dẫn chứng thực tế để làm rõ lập luận của mình.
- Phân tích càng sâu, dẫn chứng càng phù hợp với vấn đề thì bạn sẽ đạt điểm càng cao ở phần này.
Bước 3: Bác bỏ
- Đây là một phần khó trong bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí nhưng nếu bạn làm tốt phần này thì sẽ nhận được điểm rất cao.
- Ở phần này, bạn cần lật ngược lại vấn đề đang bàn luận. Nếu vấn đề đó đúng thì hãy nêu ra mặt trái của nó và chỉ ra điểm không phù hợp. Điều này sẽ càng làm nổi bật vấn đề nghị luận chính.
- Nếu có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể ở phần này thì bài viết sẽ có chiều sâu hơn và sẽ được cộng điểm nhiều hơn cho phần này.
Bước 4: Bình luận, đánh giá
Đánh giá vấn đề nghị luận có giá trị thực tiễn như thế nào, có còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không, có tác động thế nào đến bản thân người viết cũng như xã hội.
Bước 5: Bài học nhận thức, hành động
- Rút ra bài học cho chính bản thân người viết (người viết đã làm được gì và chưa làm được gì)
- Kêu gọi những người xung quanh thay đổi nhận thức và hành động
3.2. Dàn bài văn nghị luận tư tưởng đạo lí 2
Bước 1: Giải thích về tư tưởng, đạo lí
Bước đầu tiên vấn là giải thích để làm rõ vấn đề tư tưởng đạo lý được nêu ra trong bài. Nếu là câu châm ngôn, tục ngữ hay câu chuyện thì cần giải thích cả nghĩa đen và nghĩa bóng để rút ra vấn đề. Cách làm ở bước này tương tự bước giải thích ở dàn ý thứ nhất.
Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ
Bước 2: Bàn luận
- Bàn luận về tính đúng đắn của vấn đề tư tưởng đạo lý
- Đưa ra các dẫn chứng để khẳng định lập luận của mình
- Chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề đối với đời sống xã hội
- Đưa ra những mặt trái, những biểu hiện sai lệch của vấn đề và bác bỏ nó
Bước 3: Mở rộng
- Đào sâu hơn về vấn đề, có thể là những ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa chính của vấn đề
- Chỉ ra vấn đề đó có còn phù hợp với hiện tại đời sống hay không hay chỉ phù hợp một phần, còn phần nào không phù hợp
- Khuyến khích lấy ví dụ, dẫn chứng minh họa cho từng lập luận ở phần mở rộng. Tuy nhiên, nếu không thể phân tích sâu vẫn chứng thì không nên đề cập, tránh bài viết bị hời hợt và có thể mất điểm
- Phần mở rộng này là phần cộng điểm chứ không bắt buộc có trong bài nên tùy vào khả năng của người viết để viết phần lập luận này. Chỉ đưa ra vấn đề nếu đủ khả năng phân tích đầy đủ, sâu sắc vấn đề
Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động
Nhắc lại ý nghĩa của vấn đề tư tưởng đạo lý, rút ra bài học thực tế, thiết thực cho bản thân, kêu gọi người đọc thay đổi nhận thức và hành động.
4. Sơ đồ tư duy cách làm bài nghị luận tư tưởng đạo lý
5. Các kỹ năng quan trọng để làm tốt bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí
5.1. Kỹ năng phân tích đề
Nếu bài chưa nêu rõ vấn đề tư tưởng, đạo lý cần bàn luận thì bạn cần có kỹ năng phân tích đề để có thể tìm ra đúng vấn đề.
Khi bài cho các câu danh ngôn, tục ngữ, câu chuyện, hãy gạch chân các từ khóa chính chứa đủ ý nghĩa của đề bài. Ngoài ra cần xác định phạm vi của đề bài cũng như phạm vi của các dẫn chứng cần sử dụng trong bài. Đây là bước vô cùng quan trọng giúp bạn có định hướng để viết bài, tránh lạc đề.
5.2. Kỹ năng xác định luận điểm, triển khai luận cứ
Sau khi đã xác định được vấn đề nghị luận, bạn cần lập dàn ý các luận điểm, luận cứ sẽ triển khai trong bài để tránh bị sót ý.
Các luận điểm phải liên quan đến vấn đề nghị luận, bao gồm phân tích sâu hơn về vấn đề, lật ngược lại vấn đề và rút ra bài học.
Trong mỗi luận điểm sẽ có các luận cứ nhỏ hơn bao gồm phân tích rõ hơn về luận điểm và lấy dẫn chứng. Luận cứ phải phù hợp, thống nhất với luận điểm được đưa ra. Đối với các luận cứ lấy dẫn chứng, nên lấy các dẫn chứng thực tế trong đời sống xã hội.
6. Luyện tập cách làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Phân tích câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”:
I. Mở bài
Giới thiệu câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ
II. Thân bài
A. Giải thích câu tục ngữ
- Nêu định nghĩa của mực và đèn trong câu tục ngữ
- Từ đó giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: khuyên con người nên tránh xa những điều xấu, sai trái và hướng đến những điều tốt đẹp, chân lí của cuộc sống.
B. Phân tích ý nghĩa của câu tục ngữ
- Trình bày ý nghĩa của câu tục ngữ trong việc hướng dẫn con người sống và hành xử đúng đắn.
- Đưa ra ví dụ cụ thể để minh họa cho ý nghĩa của câu tục ngữ.
- Nhấn mạnh rằng khi con người sống và làm theo lẽ phải, xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
C. Phản biện ý nghĩa của câu tục ngữ
- Đưa ra một số trường hợp phản đối ý nghĩa của câu tục ngữ.
Lập luận cho rằng những trường hợp phản đối là do sự thiếu hiểu biết và suy nghĩ sai lầm.
III. Kết bài
- Tóm tắt lại ý nghĩa của câu tục ngữ.
- Nhấn mạnh rằng việc sống và làm theo lẽ phải sẽ giúp ích cho xã hội và cho bản thân mỗi người.
Để luyện tập tăng cường thêm kiến thức vể cách làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lí, các em học sinh có thể tham khảo làm ngay các bài luyện tập tại đây!
Trên đây là những chia sẻ của Học Thông Minh giúp các bạn học sinh biết cách làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lí. Tuy nhiên, để có thể đạt điểm cao trong các bài kiểm tra hay bài thi văn, bạn cần dành thời gian luyện tập để nâng cao kỹ năng và tiết kiệm thời gian hơn khi làm bài thi. Để đạt được kết quả cao nhất, các em học sinh hãy ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN và luyện thi trắc nghiệm online cùng Học Thông Minh nhé!