Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích (có thể là thơ hoặc văn) là một trong những câu hỏi thường xuyên gặp phải trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn. Đây là một câu hỏi không khó, tuy nhiên, để có thể nắm trọn điểm của câu hỏi này, đòi hỏi các bạn học sinh phải hiểu rõ những phương thức biểu đạt chính trong văn học. Cùng xem những phương thức biểu đạt đó là gì, cách nhận biết và vận dụng chúng vào trả lời câu hỏi nhé!

 

phương thức biểu đạt
Cac phương thức biểu đạt trong đề thi THPT QG môn Văn

 

1. Phương thức biểu đạt là gì?

Hiểu một cách đơn giản, phương thức biểu đạt là cách người viết sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu trong hành văn. Thông qua những phương thức biểu đạt, chúng ta có thể hiểu được những tâm tư, tình cảm và thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới người nghe, người đọc. 

 

2. Có những loại phương thức biểu đạt nào? 

6 loại phương thức biểu đạt chính, đó là tự sự, miêu tả, thuyết minh, biểu cảm, nghị luận và hành chính công cụ. Đâu là những đặc điểm nổi bật của từng loại phương thức biểu đạt? 

 

2.1. Tự sự 

Tự sự là một trong những phương thức biểu đạt mà chúng ta được học đầu tiên từ những bài học vỡ lòng, đơn giản có thể kể tới như bài văn kể về một ngày của mình hay từng trang nhật ký nắn nót ghi lại những sự kiện vui ở trường sau khi đi học về. Đó chính là phương thức tự sự, kể một chuỗi sự kiện theo trình tự và dẫn tới một kết thúc. 

 

Tự sự thường được sử dụng dưới dạng truyện, văn xuôi, tiểu thuyết và kể cả thơ. Dấu hiệu đặc trưng của phương thức biểu đạt tự sự là:

  • Có các nhân vật và sự việc rõ ràng 
  • Ngôi kể xuyên suốt 
  • Có cốt truyện được truyền tải 
  • Mang màu sắc, tư tưởng của người viết rõ ràng 

 

Một ví dụ điển hình của phương thức biểu đạt tự sự trong văn học lớp 12 là đoạn tự sự của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa với nỗi niềm u uất:

 

“Trong phút chốc, ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà lúng túng, đầy sợ sệt, nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể:

– Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.”

 

2.2. Miêu tả 

Miêu tả là cách sử dụng ngôn ngữ để giúp người đọc, người nghe có một hình dung cụ thể về sự vật, sự việc đang được nhắc tới. Phương thức biểu đạt trong văn học miêu tả được thể hiện rõ ràng qua các tính từ, động từ và các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, …

“Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi  nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.”

 Qua đoạn văn trên của tác phẩm người lái đò trên sông Đà, ta có thể hình dung được sức mạnh của thác nước, tiếng động và cả cách dòng nước di chuyển nữa. 

 

2.3. Biểu cảm 

Để biểu đạt cảm xúc về một sự vật, hiện tượng nào đó, phương thức biểu cảm là lựa chọn hàng đầu. Phương thức này thường được sử dụng có chủ đích nhằm khơi gợi cảm xúc, sự rung động và đồng cảm từ người đọc. 

Một số người thường nhầm lẫn phương thức biểu cảm là cách để diễn tả cảm xúc các nhân vật trong truyện, tuy nhiên, đây chỉ là công cụ để người viết biểu đạt cảm xúc của bản thân mình mà thôi.  Một ví dụ điển hình cho phương thức biểu đạt này có bài Sóng của Xuân Quỳnh với những câu thơ mang nặng nỗi niềm của tác giả về số phận người con gái. 

 

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

………….

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.”

 

phương thức biểu đạt thi thpt quốc gia môn văn
Phương thức biểu cảm thường được sử dụng  nhằm khơi gợi cảm xúc của người đọc

 

2.4. Thuyết minh

Khác với các loại phương thức biểu đạt khác, thuyết minh chỉ là một trong những cách dùng để cung cấp thông tin, diễn giải về một sự vật, hiện tượng nào đó một cách chính xác, mạch lạc nhất. 

Các kiểu văn bản thuyết minh thường gặp có thể kể tới như thuyết minh về đồ vật, loài vật, danh lam thắng cảnh hay một tác phẩm văn học,… Để áp dụng phương thức biểu đạt trên vào bài viết của mình, tham khảo văn thuyết minh và những phương pháp làm văn thuyết minh hiệu quả. 

 

2.5. Nghị luận 

Để bàn luận, nêu quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội, về một nhận định nào đó hay về một tác phẩm thơ, văn, phương thức nghị luận được sử dụng. Văn nghị luận cho chúng ta biết các quan điểm về đúng – sai thông qua các luận điểm, từ ngữ được sử dụng trong bài.

 

2.6. Hành chính – công vụ

Phương thức này thường được dùng để giao tiếp giữa các cơ quan, nhà nước với nhân dân, các quốc gia với nhau. Thông thường, các đề thi THPT Quốc gia sẽ ít xuất hiện dạng phương thức biểu đạt và kiểu văn bản này.  

 

3. Cách xác định các loại phương thức đạt trong văn học?

Để xác định được phương thức biểu đạt được sử dụng trong một tác phẩm, một đoạn trích, bạn cần phải nắm rõ đặc điểm nổi bật của từng loại phương thức biểu đạt trên. Trong các đề thi THPT Quốc gia, câu hỏi về phương thức biểu đạt sẽ nằm ngay phần đàu tiên của câu hỏi 1. Vì vậy, các bạn nên tư duy nhanh, chính xác để tránh làm lãng phí thời gian dùng cho các câu hỏi phía sau. Dưới đây là mẹo nhận biết cực nhanh về các phương thức biểu đạt chính: 

  • Tự sự: Thể hiện qua lối kể chuyện, có bắt đầu và kết thúc, mạch truyện xuyên suốt 
  • Miêu tả: Thông qua từ ngữ để tái hiện, mô tả lại một sự vật, sự việc giúp người đọc có thể hình dung ra ngay trước mắt
  • Biểu cảm: Bày tỏ cảm xúc, tình cảm
  • Nghị luận: Đưa ra ý kiến, đánh giá, bàn luận để thuyết phục người khác đồng ý với quan điểm của mình 
  • Thuyết minh: Giới thiệu, cung cấp kiến thức, thông tin một cách chi tiết, giúp người đọc, người nghe hiểu rõ về đối tượng, sự việc đang được nhắc đến 
  • Hành chính – công vụ: Trình bày quyết định hay hướng dẫn thể hiện quyền trách nhiệm của mỗi người 

 

phương thức biểu đạt trong văn học
đề thi THPT Quốc gia sẽ ít xuất hiện dạng phương thức biểu đạt hành chính-công vụ

4. Vận dụng 

Sau khi nắm rõ phần kiến thức trên, hãy cùng thử áp dụng vào một số ví dụ dưới đây:

 

Ví dụ 1: Hãy xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích sau: 

“Trăng đang lên. Mặt sông lấp loáng ánh vàng. Núi Trùm Cát đứng sừng sững bênbờ sông thành một khối tím sẫm uy nghi, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát”

(Trong cơn gió lốc, Khuất Quang Thụy)

 

Ví dụ 2: Nâu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ sau: 

”Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”

(Lê Bá Dương, Lời người bên sông)

 

Ví dụ 3: Đoạn trích dưới đây sử dụng phương thức biểu đạt nào? Vì sao?

“Nước là yếu tố thứ hai quyết định sự sống chỉ sau không khí, vì vậy con người không thể sống thiếu nước. Nước chiếm khoảng 58 – 67% trọng lượng cơ thể người lớn và đối với trẻ em lên tới 70 – 75%, đồng thời nước quyết định tới toàn bộ quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể con người.”

(nanomic.com.vn)

 

Đó là toàn bộ những thông tin mà các sĩ tử cần biết về các loại phương thức biểu đạt chính trong văn học, những đặc trưng cơ bản và một số ví dụ để vận dụng. Hãy nắm chắc những kiến thức cơ bản để đạt điểm tối đa trong bài thi sắp tới nhé! Nếu cần củng cố kiến thức, luyện tập cùng Học thông minh tại Luyện thi THPT QG môn Văn nhé!