Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

I. Mở bài:

- Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ là một trong những tượng đài đẹp nhất, đáng tự hào nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

- “Tây Tiến” (1848) của Quang Dũng là một bài thơ tiêu biểu viết về người lính Tây Tiến. Họ là những con người mang vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng, bi tráng, sẵn sàng lấy máu mình tô thắm cho lá cờ Tổ Quốc, đồng thời họ còn là những con người mang tâm hồn lãng mạn, hào hoa.

II. Thân bài:

1) Khái quát chung:

Viết về những người lính chiến đấu nơi biên cương miền Tây Tổ quốc, “Tây Tiến” được viết bằng bút pháp lãng mạn: là bút pháp sử dụng thủ pháp tương phản đối lập, tô đậm những cái phi thường, khác thường nhằm tác động mạnh vào cảm xúc người đọc.

2) Vẻ đẹp người lính Tây Tiến:

- Trước hết người lính Tây Tiến hiện lên là những con người hào hùng, bi tráng:

+ Hoàn cảnh xuất hiện của họ được xây dựng từ đời sống, môi trường chiến đấu rất phi thường: đó là bối cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, dữ dội, hiểm trở với đủ núi cao, vực thẳm, sông dài, mưa nguồn, thú dữ…:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

=> Giữa bối cảnh phi thường, dữ dội như vậy khiến người lính cũng trở nên thật phi thường.

+ Và rồi họ xuất hiện, trên cái nền thiên nhiên hoang vu hiểm trở, hùng vĩ đó, người lính Tây Tiến thật oai phong, lẫm liệt và phi thường:

=> Phi thường trước hết ở sự gian khổ, cùng cực: ăn đói, mặc rách, bệnh tật, sốt rét rừng đến da xanh trọc đầu:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Sốt rét đã khiến cho thân thể họ tiều tụy, tuy nhiên họ vẫn giữ được vẻ hào hùng “dữ oai hùm”. Với bút pháp lãng mạn, tác giả nhấn mạnh sự tương phản giữa ngoại hình và nội tâm, giữa hình thức có phần xanh xao, tiều tụy với sức mạnh tinh thần mãnh liệt bên trong.

=> Người lính Tây Tiến còn phi thường và tràn đầy khí phách ở chỗ, chẳng những dám đương đầu với mọi thử thách, gian truân như đói rét, bệnh tật, rừng thiêng, nước độc, thú dữ…mà còn có thái độ, tư thế hiên ngang trước cái chết:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Nếu câu thơ thứ nhất gợi lên cái gì đó hơi bi thảm về những nấm mồ của những người phải bỏ xác lại trên đường hành quân đầy hiểm trở thì câu thơ thứ hai đã nâng ý thơ thành bi tráng bởi cái phương châm, triết lý, lẽ sống của tuổi trẻ thời bấy giờ là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

=>Thực tế chiến đấu gian khổ cùng cực, chết bệnh nhiều hơn chết trận, thậm chí khi chôn cất một manh chiếu che thân cũng không có, nhưng chủ nghĩa lãng mạn khi nói về nỗi buồn, cái chết với ý nghĩa biểu hiện cái đẹp, chất bi hùng nên hình ảnh người lính trong thơ vẫn phải đẹp, phải sang, phải hào hùng. Họ ngã xuống trong tiếng nhạc bi tráng của núi sông:

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Chính điều đó đã làm cho cái chết của người lính có bi mà không lụy, vẫn đẹp và hào hùng.

- Ngoài ra những chiến sĩ Tây Tiến còn là những con người lãng mạn, hào hoa: Điều này thể hiện ở chất hào hoa, lãng mạn, thanh lịch của những chàng trai, cô gái đất Hà Thành

+ Dù chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt nhưng họ vẫn nhạy cảm trước những hình ảnh đẹp nên thơ, tinh tế của cảnh và người: một làn sương mờ ảo; một dáng hoa lau phất phơ; những đêm hội đuốc hoa với những xiêm áo rực rỡ, điệu bộ e ấp của những cô gái vùng cao:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

(…)

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

=> Điều đó làm cho hình ảnh người lính trở nên đẹp cả về tâm hồn, sức mạnh, như trong bài “Lên Tây Bắc”, Tố Hữu cũng đã nhấn mạnh vẻ đẹp lãng mạn của người lính:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo”

+ Cuộc sống và chiến đầu của họ gian khổ, thường xuyên phải đối mặt với tử thần nhưng người lính vẫn lạc quan, yêu đời, gửi niềm tin vào cuộc sống, vào chiến thắng, vẫn mơ về những nét đẹp, thanh lịch, dịu dàng của những cô gái đất Hà thành:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

=> Người lính ra trận luôn phải đối mặt giữa cái sống và cái chết, nhưng họ không nghĩ đến cái chết, trái tim vẫn mơ về thiên thu, về tình yêu, “Vẫn bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Tình yêu riêng tư hòa quyện với tình yêu đất nước đã nâng đỡ tâm hồn, tinh thần người lính vượt qua mọi gian khổ, hi sinh để chiến thắng kẻ thù. (Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần).

3) Nghệ thuật:

- Bằng bút pháp lãng mạn, sử dụng từ ngữ giàu sức gợi hình, âm điệu hùng tráng mạnh mẽ, bài thơ đã khắc họa thành công bức chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp độc đáo, rất đáng tự hào.

III. Kết bài:

- Quang Dũng đã khắc họa một cách đầy đủ, chân thực về chân dung tập thể của người lính Tây Tiến từ diện mạo đến tâm hồn, khí phách anh hùng, thái độ trước cái chết cũng như vẻ hào hoa rất Hà Nội của họ.

- Bài thơ xứng đáng là một tượng đài bằng ngôn ngữ đã bất tử hóa phẩm chất anh hùng của anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp rất đỗi gian khổ mà vui tươi hào hùng:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và con người ấy, bài thơ ấy

Vẫn sống muôn đời cùng núi sông”