ĐỀ THI THỬ THPT QG 2023 MÔN NGỮ VĂN
MÃ ĐỀ : 10
THỜI GIAN : 120 PHÚT
Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.
Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.
Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.
Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua...
(Áo cũ, Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Trong văn bản, hình ảnh chiếc áo cũ được tác giả miêu tả như thế nào?
Câu 3. Phân tích hiệu quả của biện pháp so sánh được sử dụng trong hai câu sau:
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị sau khi đọc văn bản là gì?
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của bản thân về giá trị của những điều bình thường giản dị trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.30)
Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích trên.Từ đó, nhận xét cái nhìn mới mẻ về người nông dân của nhà văn Kim Lân.
--- Hết ---
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật
Câu 2. Trong văn bản, hình ảnh chiếc áo cũ được tác giả miêu tả
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Câu 3.
- Biện pháp tu từ so sánh: thương áo cũ – thương kỉ niệm
- Tác dụng:
+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ
+ Khẳng định giá trị của tấm áo, là vật chứa đựng biết bao kí ức, bao kỉ niệm gắn bó mà tác giả rất yêu thương, trân trọng.
+ Thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả dành cho mẹ, cho những gì từng gắn bó.
Câu 4. Học sinh nêu thông điệp ý nghĩa với bản thân và lí giải hợp lí
Sau đây là một gợi ý
- Thông điệp ý nghĩa nhất khi đọc văn bản: Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống Những gì trong năm tháng trôi qua...
- Vì: giá trị của những gì đang hiện hữu trong cuộc sống chúng ta, mọi thứ dù nhỏ bé đều có vai trò, ý nghĩa riêng góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người được hoàn thiện. Từ đó, ý thức được bản thân cần trân trọng tất cả những gì xung quanh để sau này khi thời gian trôi qua không phải nuối tiếc bất cứ điều gì.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của bản thân về giá trị của những điều bình thường giản dị trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:giá trị của những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống .
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giá trị của những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống
Có thể theo hướng:
- Những điều bình thường, giản dị là những điều nhỏ bé, bình dị, không cầu kì, không xa hoa… tồn tại ngay trong cuộc sống của mỗi con người. - Những điều bình thường, giản dị là những gì không thể thiếu trong cuộc sống khi nó góp phần làm cho cuộc sống được hoàn thiện, giúp con người cảm nhận một cách trọn vẹn nhất ý nghĩa của cuộc sống.
- Những điều bình thường giản dị mỗi người cảm nhận được hạnh phúc đích thực, ý nghĩa của cuộc sống để từ đó trân trọng hơn những gì đang có.
- Những điều bình thường, giản dị góp phần làm nên những điều lớn lao, làm cho cuộc sống ý nghĩa, xã hội phát triển.
- Bên cạnh đó, cần phê phán những người không biết trân trọng những điều bình dị, mải mê chạy theo danh vọng và những thứ hão huyền.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích trên.Từ đó, nhận xét cái nhìn mới mẻ về người nông dân của nhà văn Kim Lân.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích đoạn trích; nhận xét cái nhìn mới mẻ về người nông dân của nhà văn Kim Lân.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và đoạn trích. 0,5
*Cảm nhận về đoạn trích :
- Tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên khi anh có vợ: được Kim Lân miêu tả thật tinh tế mà chân thực:
+ Êm ái lửng lơ như người vừa ở giấc mơ đi ra
+ Ngỡ ngàng như không phải Tràng đã có vợ
+ Sự bất ngờ của Tràng khi nhận thấy sự thay đổi mới mẻ, khác lạ của căn nhà
+ Tâm thế khoan thai, thoải mái “Hắn chắp hai tay sau lưng, lững thững bước ra sân”
+ Cảm giác bất ngờ: “ bỗng chợt nhận ra…mọi thứ thay đổi ( nhà cửa sân vườn, quần áo, ang nước, đống rác… tất cả đã được thổi vào sự sống..
+ Sự cảm động, thấm thía của Tràng khi chứng kiến mẹ và người vợ thu vén cho căn nhà.
+ Thấy thương yêu, gắn bó với căn nhà
+ Nhận ra điều mình có: một gia đình đúng nghĩa.
+ Nghĩ đến tương lai đẹp đẽ, đầm ấm.
+ Thấy sung sướng: Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng.
+ Thấy mình khôn lớn, trưởng thành: Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người,
+ Nhận thức được trách nhiệm với gia đình: hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
+ Muốn hành động để góp phần xây dựng tổ ấm: Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà....
-> Tràng đã nhìn bằng đôi mắt tích cực, đôi mắt của tình yêu thương, sự trân quý những gì anh đang có, đang được hưởng.
=> Đoạn văn khá đặc sắc, đã diễn tả tinh tế diễn biến tâm trạng của Tràng trong niềm hạnh phúc trào dâng. Từ đó, góp phần làm nối bật tư tưởng chủ đề của truyện: Trong cái đói, cái khát, cái chết cận kề con người ta vẫn yêu thương cưu mang, đùm bọc nhau, vẫn hướng tới sự sống, khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình => tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
- Nghệ thuật tiêu biểu của đoạn trích:
+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo.
+ Kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, dựng cảnh sinh động, chi tiết đặc sắc.
+ Miêu tả tâm lí nhân vật tỉ mỉ, chân thực, sinh động
+ Sử dụng ngôn ngữ kể chuyện linh hoạt, giàu cảm xúc
* Nhận xét cái nhìn mới mẻ về con người của nhà văn Kim Lân
- Nhà văn có cái nhìn xót xa, thương cảm và tin yêu về con người, tìm thấy sức mạnh của tình yêu thương trong thẳm sâu những con người bé nhỏ. Trong thời khắc quyết định số phận, họ đã nương tựa, cưu mang, sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu thương.
- Kim Lân một lần nữa khẳng định giá trị của hạnh phúc, niềm tin và sự lạc quan của con người Việt nam trong năm đói. Qua đoạn trích, thấy được giá trị hiện thực và tư tưởng nhân đạo của nhà văn.
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
-/-