Bài thi môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút
(không kể thời gian phát đề)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
THỜI GIAN
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi những tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơcòn xanh
Riêng những bài hátcòn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.
(Theo Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1996, tr.80)
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi, lãng quên những điều gì nhưng lại không thể khuất phục những điều gì?
Câu 3. Nêu hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ được sử dụng trong các diễn đạt: những câu thơ còn xanh, những bài hát còn xanh.
Câu 4. Theo anh/chị, chúng ta cần làm gì khi ý thức được sự trôi chảy của thời gian.
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự qúy giá của thời gian.
Câu 2 (5.0 điểm)
Bàn về tác phẩm văn học, nhà văn Vô-rô-nin cho rằng: Câu đầu là một thứ âm chuẩn, giúp cho việc tạo nên âm hưởng chung của toàn bộ tác phẩm; tác giả Phuốc-ma-nốp lại khẳng định: Sức mạnh của cú đấm nghệ thuật thuộc về đoạn cuối.
Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về các ý kiến trên? Hãy bình luận và làm sáng tỏ các ý kiến thông qua việc tìm hiểu phần mở đầu và kết thúc của tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao).
Gợi ý BÀI LÀM
Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2: Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi khô những chiếc lá, làm lãng quên kỉ niệm (chỉ còn vang vọng như tiếng sỏi rơi vào lòng giếng cạn) nhưng lại không thể khuất phục được những câu thơ, những bài hát và đôi mắt em.
Câu 3: Hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ:
- Khẳng định vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát.
- Thể hiện niềm tin của tác giả về sự trường tồn của những giá trị tinh thần của cuộc đời.
- Làm cho câu thơ, hình ảnh thơ thêm sinh động, ấn tượng.
Câu 4: Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách nhưng nhưng dù cách nào cũng cần ngắn gọn, có quan điểm riêng, tránh diễn đạt chung chung hoặc hô hào khẩu hiệu sáo rỗng. Gợi ý:
- Biết quý trọng thời gian, trân trọng những gì đang có.
- Sử dụng quỹ thời gian hiệu quả.
- Sống trọn vẹn, có ý nghĩa trong từng phút giây của cuộc đời.
- Lưu giữ giá trị của bản thân để nó trường tồn và nối tiếp ở thế hệ sau, khuất phục thời gian.
Câu 1:
- Vì sao thời gian quí giá?
+ Với thời gian, con người có thể lao động sản xuất để sinh tồn, tạo dựng của cải vật chất, để yêu thương, gắn bó.
+ Thời gian trôi chảy rất nhanh, lại tuyến tính, một đi không trở lại …
+ Mỗi con người lại chỉ có một quĩ đời ngắn ngủi vì vậy thời gian càng quý giá...
Câu 2:
- Ý kiến của Vô-rô-nin:
+ Câu đầu: câu văn mở đầu, phần mở đầu của một tác phẩm.
+ Âm chuẩn: âm thanh chuẩn xác, mẫu mực, chủ đạo.
→ Giọng điệu, âm hưởng của phần mở bài sẽ chi phối và quyết định âm hưởng, giọng điệu chung của cả tác phẩm.
- Ý kiến của Phuốc-ma-nốp: Sức mạnh của cú đấm nghệ thuật thuộc về đoạn cuối → Với cách nói hình tượng, Phuốc-ma-nốp đã nói lên vị trí không thể thiếu của phần kết luận trong một tác phẩm. Giống như cú nốc-ao đầy thuyết phục trong một trận đấu, nó là khâu then chốt đóng vai trò quyết định trong việc khẳng định giá trị, sức sống của một tác phẩm và có tác động mạnh mẽ đến người đọc.
→ Tổng hợp ý kiến hai nhà văn, ta thấy cần nhấn mạnh và đánh giá cao vai trò của phần mở đầu và kết thúc, nhấn mạnh khả năng kì diệu của sự gợi mở và khép lại tác phẩm.
Khẳng định tính đúng đắn của hai ý kiến:
- Phần mở đầu và kết thúc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với một tác phẩm văn học. Điều này được thể hiện ở tất cả các thể loại, đặc biệt là truyện ngắn.
- Tác phẩm tự sự nào cũng cần phải có cốt truyện. Cốt truyện là một chuỗi các sự kiện được tạo dựng, là khung xương của tác phẩm. Cốt truyện gồm 5 phần: trình bày(= mở đầu), thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút(= kết thúc). Các bước diễn biến của cốt truyện đi từ mở đầu đến phát triển và kết thúc. Vì thế, trong các yếu tố của cốt truyện, nhà văn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đoạn mở đầu và đoạn kết. Phần mở như một khúc dạo đầu, định hình ý tưởng của tác giả, quyết định sự lôi cuốn, hấp dẫn của tác phẩm đối với bạn đọc; phần kết lại là khúc vĩ thanh gói lại tác phẩm đồng thời mở ra trong lòng bạn đọc những suy nghĩ, liên tưởng mới, kết tinh tư tưởng của tác phẩm.
- Trong kết cấu của một tác phẩm văn học, sự sắp xếp các phần theo một trật tự hợp lí, thể hiện ý đồ nghệ thuật của người viết. Nếu thay đổi trật tự hoặc thiếu đi phần nào sẽ làm mất đi tính thống nhất của một chỉnh thể toàn vẹn. Trong chỉnh thể đó phần mở đầu và kết thúc không thể thiếu, bởi theo Aristote: Cái hoàn chỉnh là cái có phần đầu, phần giữa và phần cuối, theo Lưu Hiệp thì phải tổng văn lí (thống nhất mạch lạc bài văn), thống đầu vĩ (liên kết mở đầu và kết thúc) hay theo Nhữ Bá Sĩ không đóng, mở, kết cấu thì không thành văn chương.
→ Tác dụng, ý nghĩa của phần mở - kết: vừa tạo cho tác phẩm một chỉnh thể thống nhất vừa chuyển tải tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, thể hiện tư tưởng của nhà văn, đồng thời tác động mạnh mẽ tới tâm hồn bạn đọc.
3/ Chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo
* Phần mở đầu:
- Cách mở đầu: Truyện được mở đầu bằng đoạn văn miêu tả, nhận xét tiếng chửi của nhân vật chính - một kẻ đang say rượu. Đây là cách giới thiệu trực tiếp nhân vật và cách mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện.
- Ý nghĩa:
+ Cách vào truyện bằng hình ảnh rất sống động của một kẻ say đang vừa đi vừa chửi có ý nghĩa lớn trong việc tạo tính hấp dẫn, gợi hứng thú, lôi cuốn người đọc vào diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
+ Cách chửi của nhân vật khá độc đáo: thoạt đầu vu vơ, sau đó thu hẹp dần và cuối cùng bất ngờ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn
+ Cách sử dụng ngôn ngữ vô cùng linh hoạt (đan xen nhiều điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu) làm đoạn văn có ấn tượng riêng khó quên.
+ Ngay từ đoạn mở đầu, số phận, tích cách nhân vật đã được khái quát, khắc sâu giá trị tư tưởng tác phẩm.
=> Khái quát một tính cách hết sức đặc biệt: tính cách một kẻ khùng, thằng say đang ở trong trạng thái lưỡng phân: nửa say - nửa tỉnh. Khái quát một số phận vô cùng bi đát: số phận của con người đang bị đồng loại chối từ.
* Kết thúc
- Cách kết thúc:
+ Cái chết thảm khốc của nhân vật Chí Phèo
+ Nhà văn đã lặp lại hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang ở phần đầu tác phẩm - nơi Chí Phèo bị bỏ rơi - để kết thúc truyện.
- Ý nghĩa:
+ Với việc để Chí Phèo tự vẫn vì không thể trở về với cuộc đời lương thiện, tác giả khắc sâu bi kịch số phận nhân vật và tố cáo sâu sắc xã hội đương thời.
+ Hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang được lặp lại tạo thành một kết cầu vòng tròn, một kết thúc để ngỏ, có giá trị biểu hiện sâu sắc, buộc người đọc phải suy ngẫm liên tưởng thêm những tầng nghĩa mới có thể có mà tác giả gửi gắm (phản ánh, tố cáo hiện thực; dự báo, thức tỉnh,…
- Ý kiến đúng đắn, quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, được đúc rút từ chính những trải nghiệm của các nhà văn bậc thầy của văn học Nga và thế giới.
- Đây là công phu sáng tạo in đậm dấu ấn tài năng và phong cách tác giả. Mở đầu và kết thúc truyện ngắn Chí Phèo chứng tỏ Nam Cao là cây bút hiện thực tỉnh táo, nhà văn của chủ nghĩa nhân đạo lớn không chỉ với tình thương mà còn ở lòng tin vào con người.
- Yêu cầu đặt ra cho công phu sáng tạo mở đầu và kết luận không chỉ đúng với truyện ngắn mà còn với tất cả các thể loại văn học khác (ký, kịch, thơ, tiểu thuyết…), đòi hỏi trách nhiệm của người nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật, đồng thời đòi hỏi khả năng đồng sáng tạo của bạn đọc trong tiếp nhận văn học.